LỢI ÍCH VIỆC CHUẨN HÓA MÃ SỐ THUẾ THEO MÃ ĐỊNH DANH CÁ NHÂN
Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ cũng đã đưa ra các mục tiêu về phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số. Trong đó, xác định phát triển kinh tế số nền tảng với trọng tâm là các nền tảng số quốc gia, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực; phát triển kinh tế số ngành với trọng tâm là ưu tiên đưa vào sử dụng các nền tảng số dùng chung, thống nhất trong từng ngành, lĩnh vực
Để triển khai nhiệm vụ “Hoàn thiện việc đồng bộ dữ liệu về thuế đối với CSDL quốc gia về dân cư và làm sạch, thống nhất sử dụng mã số định danh công dân là mã số thuế” tại Đề án “ Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06), Tổng cục Thuế đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) thực hiện Quy trình trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quản lý thuế, sử dụng dịch vụ truy vấn từ Cơ sở dữ liệu của Bộ Công an, làm việc với cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) đề nghị phối hợp rà soát, chuẩn hóa thông tin của các MST cá nhân
- Đối với Cơ quan Thuế
Thứ nhất, việc sử dụng thống nhất mã số định danh công dân là mã số thuế sẽ giúp thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý thuế nói riêng và công tác quản lý nhà nước nói chung.Việc đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dữ liệu NNT sẽ giúp cho cơ quan thuế thuận tiện trong việc quản lý, tra cứu, phân tích, đánh giá và thực hiện các TTHC cũng như các nghiệp vụ chuyên môn quản lý thuế đối với NNT
Thứ hai, dữ liệu được đồng bộ hóa sẽ giúp cho quá trình trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước như: bảo hiểm xã hội, dữ liệu quản lý dân cư, dữ liệu quản lý bất động sản…, được nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả đặc biệt là phù hợp với phương thức giao dịch điện tử
Thứ ba, khi tích hợp và đồng bộ hóa số CCCD làm mã số thuế sẽ nâng cao hiệu quả hiệu lực của công tác quản lý thuế, đồng thời hạn chế được các tình trạng gian lận và thất thu thuế.
- Đối với người nộp thuế
Đối với cá nhân, công dân có thể sử dụng mã số định danh để tra cứu thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể thay thế CCCD/Hộ chiếu, và đặc biệt là có thể thay thế cho mã số thuế cá nhân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến việc khai thuế, nộp thuế, đăng ký giao dịch điện tử….
Đối với DN, giúp DN tiết kiệm được thời gian chi phí và giảm thiểu các rủi ro bị xử phạt hành chính về thuế trong quá trình thực thi nghĩa vụ thuế.
Định danh số công dân đang là xu hướng toàn cầu. Ngành Thuế xác định triển khai rà soát, chuẩn hóa MST cá nhân là nhiệm vụ chính trị quan trọng đã được Chính phủ, Bộ Tài chính chỉ đạo để hoàn thiện việc đồng bộ dữ liệu về thuế với CSDL quốc gia về dân cư, và làm sạch, thống nhất sử dụng mã số định danh làm mã số thuế như Luật Quản lý thuế quy định. Thời gian tới, Tổng cục thuế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công An đẩy mạnh công tác này để tiến tới hoàn thành việc sử dụng mã định danh công dân làm mã số thuế, tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Nguyên Hương – Phòng TTHT