MỘT SỐ NGHỊ ĐỊNH MỚI BAN HÀNH
Một số Nghị định mới có hiệu lực hoặc phạm vi điều chỉnh trong năm 2020 như sau:
- Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử, chứng từ có hiệu lực từ ngày 01/07/2022.
Nghị định 123/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2022, tuy nhiên khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Nghị định này trước ngày 1/7/2022. Theo đó, Nghị định 123/2020/NĐ-CP không còn bắt buộc các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải hoàn thành việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế từ ngày 1/11/2020.
Đối với việc sử dụng hóa đơn đã phát hành, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế hoặc đã đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày 19/10/2020 thì được tiếp tục sử dụng hóa đơn đang sử dụng kể từ ngày 19/10/2020 đến hết ngày 30/6/2022 và thực hiện các thủ tục về hóa đơn theo quy định tại các Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP.
- Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn có hiệu lực từ ngày 05/12/2020.
Nghị định này nhằm tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế, nhằm chống thất thu, giảm nợ thuế, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế và Ngân sách, tạo được tính đồng bộ, sự thống nhất và điều kiện áp dụng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của các quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn hiện hành (Nghị định số 129/2013/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục về thuế và Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn). Đặc biệt Nghị định cũng bổ sung thêm 4 trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn tạo nên sự công bằng, minh bạch giữa người nộp thuế và cơ quan thuế.
- Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế có hiệu lực từ ngày 05/12/2020.
Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có 17 Chương, 152 Điều, trong đó có 28 Điều, Khoản, Điểm giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Việc xây dựng Nghị định 126 nhằm cụ thể hoá một số điều của Luật Quản lý thuế.
Nghị định số 126/2020/NĐ-CP gồm 9 Chương, 44 Điều quy định về các nội dung khai thuế, tính thuế; ấn định thuế; thời hạn nộp thuế, trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; hoàn thuế, khoanh tiền thuế nợ, xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; trách nhiệm cung cấp thông tin, công khai thông tin người nộp thuế và trách nhiệm của ngân hàng thương mại; cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực thuế. Ngoài ra, nghị định còn có một số vấn đề khác như uỷ nhiệm thu, mua thông tin dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế và cơ chế thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế đối với Doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Đoàn TN Cục Thuế – Bùi Công Luận – Chi đoàn CCT huyện A Lưới